10
10. Vụ Marbury và Madison (năm 1803)
Đây được xem là quyết định quan trọng nhất trong lịch
sử của Tòa án Tối cao Mỹ khi lập nên một nguyên tắc giám sát tư pháp và quyền
lực của Tòa trong việc xác định tính hợp hiến của các hành vi lập pháp và hành
pháp. Trong vụ việc này, William Marbury – người được bổ nhiệm là thẩm phán hòa
giải dưới thời cựu tổng thống John Adams - nhưng chưa được trao quyết định do
chính quyền mới của tổng thống Jefferson cho rằng phe đối lập cố tình chơi xấu
khi bổ nhiệm người của họ vào nhánh tư pháp vào những ngày cuối nhiệm kỳ - đã
kiến nghị lên Tòa án Tối cao yêu cầu Quốc vụ khanh mới là James Madison trao
quyết định cho mình. Kiến nghị này đặt Tòa án Tối cao vào một tình thế khó xử.
Nếu như Tòa đứng về phía Marbury, Madison có thể vẫn không chịu trao quyết định
và Tòa không có cách nào để lệnh của mình được thi hành. Nếu Tòa xử trái với yêu
cầu của Marbury thì Tòa có nguy cơ nhượng quyền tư pháp cho người của phái
Jefferson, cho họ được phép khước từ Marbury chức vụ mà ông đáng lẽ được nhận
theo pháp lý. Khi ấy, chánh án Tòa án tối cao là John Marshall đã hành xử cực kỳ
khôn ngoan khi trước tiên khẳng định rằng việc bổ nhiệm chức vụ cho Marbury được
xem là đã hoàn tất ngay khi cựu Tổng Thống Adams ký sắc lệnh và việc đóng dấu
quốc ấn hay tống đạt sắc lệnh đến đương sự chỉ là thủ tục hành chính. Tuy nhiên,
chánh án Marshall cũng phán quyết rằng Tòa án tối cao Mỹ không có thẩm quyền
giải quyết vụ việc do quy định rõ trong Hiến pháp rằng Tòa án tối cao có thẩm
quyền tài phán tối hậu và chỉ có thẩm quyền tài phán tiên quyết trong một số
trường hợp đặc biệt. Để phản bác lại, Marbury viện dẫn Bộ Luật tư pháp của Mỹ
năm 1789 rằng việc ông kiến nghị Tòa án tối cao là phù hợp với quy định phát
luật. Mặc dù vậy, chánh án Marshall đã phán quyết rằng một số quy định của Bộ
luật là vi hiến và đây được xem là dấu mốc quan trọng để khẳng định quyền lực
của Tòa án khi có thể xem xét lại tính hợp pháp của cả các bộ luật do quốc hội
ban hành.
9. Vụ Dred Scott kiện Sandford (năm 1857)
Đây được xem là vụ án góp phần đưa Abraham Lincoln –
người phản đối chế độ nô lệ - lên chức tổng thống năm 1860 và dẫn đến cuộc nội
chiến ở Mỹ một năm sau đó. Dred Scott vốn là nô lệ ở bang
Missouri – một bang cho phép chế độ nô lệ tồn tại và
theo chân ông chủ của mình là John Emerson đến bang Illinois - nơi chế độ nô lệ
bị ngăn cấm. Sau đó, khi ông chủ qua đời, Scott đã khởi kiện vợ của Emerson năm
1850 ở Missouri để giành lại tự do cho mình và giành chiến thắng. Tuy nhiên, đến
năm 1852, Tòa án bang đã đảo ngược quyết định của Tòa án cấp dưới. Trong thời
gian đó, bà quả phụ Emerson tái giá và Scott trở thành tài sản của anh trai bà
là John Sanford. Người nô lệ da đen này đã khởi kiện người chủ mới để dành lại
tự do cho mình với lập luận rằng với việc đã sống ở một bang tự do, anh ta không
còn là nô lệ nữa. Tuy nhiên, khi vụ việc được đưa lên Tòa án tối cao Mỹ, các
thẩm phán quyết định rằng do Scott là một người da đen, anh ta không phải là một
công dân và không đủ tư cách khởi kiện. Phán quyết này đã bị chỉ trích mạnh mẽ,
đặc biệt là bởi những người phản đối chế độ nô lệ. Phải đến gần 10 năm sau,
quyết định của tòa mới bị đảo ngược bởi các Tu chính số 13 và 14 sửa đổi hiến
pháp mà trao quyền công dân cho những người trước đây là nô lệ.
8. Vụ John Gotti (năm 1992)
John Gotti, sinh năm 1940 là một trong những ông trùm xã hội đen có thế lực nhất
trong thời đại của mình. Rất ít tổ chức xã hội đen gây được sự chú ý của công
chúng Mỹ như những gì tổ chức của Gotti làm được trong suốt hơn 20 năm tồn tại.
Tuy đứng sau hàng loạt tội ác như buôn bán ma túy, giết người, hối lộ, trốn
thuế... song y vẫn được tha bổng tới 3 lần khi ra tòa trong thập niên 90 (nhiều
nguồn tin sau đó tiết lộ bồi thẩm đoàn đã bị mua chuộc bằng nhiều hình thức).
Phải đến năm 1992, ông trùm này mới bị kết tội bởi một phiên tòa đặc biệt khi
bồi thẩm đoàn đều là những người vô danh. Sau đó, Gotti lĩnh án tù chung thân
không có khả năng phóng thích và phải nộp phạt khoản tiền lên đến 250.000 USD.
Tuy nhiên, Gotti được cho là vẫn điều khiển các hoạt động phi pháp bên ngoài từ
trong nhà giam và đã qua đời năm 2002 bởi căn bệnh ung thư. Năm 1996, kênh HBO
đã dựng một bộ phim về cuộc đời của ông trùm quyền lực và nhận được đánh giá rất
cao của công chúng mê điện ảnh.
7. Vụ George Zimmerman (năm 2013)
Vụ án này được công chúng biết đến rộng rãi 3 năm trước đây với nhiều luồng ý
kiến tranh luận trái chiều.
Trayvon Martin, 17 tuổi, người Mỹ gốc Phi là nạn nhân của vụ việc. Martin đã bị
bắn chết bởi George Zimmerman – một thiếu niên người
Mỹ da trắng. Khi ra tòa, các thành viên bồi thẩm đoàn đã kết luận rằng Zimmerman
vô tội do cậu nổ súng để tự vệ, tuân theo pháp luật của bang Florida. Cụ thể,
Trayvon Martin được coi là nguồn gốc dẫn đến ẩu đả và là người đánh trước,
George Zimmerman có quyền tự vệ khi tính mạng bị đe dọa. Ngoài ra, khi báo tin
cho cảnh sát, Zimmerman không hề quan tâm đến màu da của nạn nhân nên không thể
xem xét yếu tố phân biệt chủng tộc. Một chuyên gia khám nghiệm hiện trường cũng
nhận định rằng Martin bị bắn khi đang ngồi kẹp trên người Zimmerman và bị cáo là
người bị khống chế với nhiều vết thương do bị đập đầu xuống đất. Tuy nhiên, do
tình tiết nhạy cảm là một thiếu niên da trắng đã bắn chết một người da đen nên
nhiều người đặt ra câu hỏi về sự phân biệt chủng tộc liên quan đến vụ việc này.
Dẫu vậy, cho đến hiện tại, diễn biến chi tiết của những gì xảy ra vào buổi tối
ngày hôm đó vẫn còn là bí ẩn.
6. Vụ Miranda và bang Arizona (năm 1976)
Đây là một trong những vụ án nổi tiếng nhất trong lịch sử tư pháp Mỹ và chính từ
vụ án này, cảnh sát Mỹ đều phải lặp lại một câu nói quen thuộc gọi là
Lời cảnh báo Miranda trước khi bắt
giữ bất cứ nghi phạm nào. Đó là kẻ bị tình nghi có quyền im lặng, rằng những
điều anh ta nói ra có thể được dùng để chống lại anh ta, rằng anh ta có thể yêu
cầu sự có mặt của một luật sư trong khi bị thẩm vấn, và một luật sư sẽ được cung
cấp nếu anh ta không tự thuê được. Về diễn biến vụ án, Ernesto Miranda bị kết
tội ăn cắp và hiếp dâm tại một tòa án bang ở Arizona. Lời kết tội anh ta căn cứ
vào một lời thú tội mà Miranda khai với cảnh sát sau 2 giờ bị thẩm vấn mà không
được báo cho biết rằng mình có quyền yêu cầu sự có mặt của một luật sư. Sau đó,
Miranda khởi kiện bang Arizona với lập luận khẳng định mình cảm thấy bị đe dọa
trong cuộc thẩm vấn và giành chiến thắng. Tuy nhiên, sau khi mở lại phiên tòa
(lúc này lời thú tội của Miranda đã không được sử dụng) với nhân chứng và chứng
cứ mới, Miranda vẫn phải chịu mức án tổng hợp 30 năm tù. Một tình tiết cũng gây
chú ý là sau khi được tự do, Miranda bị đâm chết trong một cuộc ẩu đả tại quán
bar và cảnh sát đã đọc Lời cảnh báo
Miranda cho người đã giết ông.
(Còn tiếp)