Pháp luật của Vương quốc Anh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giá trị tham khảo cho Việt Nam
PHÁP LUẬT CỦA VƯƠNG QUỐC ANH VỀ
ThS. Nguyễn Ngọc Ánh[1]
Dương Lan Phương[2]
Tóm tắt:
Với bề dày lịch sử trong việc bảo vệ người tiêu
dùng, pháp luật của Vương quốc Anh là một trong những khuôn mẫu mà Việt Nam có
thể tham khảo. Chuyên đề nêu khái quát các quy định pháp luật, đánh giá hiệu quả
áp dụng trên thực tế tại Vương quốc Anh trong việc bảo vệ quyền lợi của người
tiêu dùng. Từ đó, một số giá trị tham khảo được đưa ra nhằm hoàn thiện quy định,
nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt
Nam.
Từ khóa:
bảo vệ, quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật, Vương
quốc Anh
Đặt vấn đề
Vương quốc Anh là một quốc gia châu Âu, thuộc hệ
thống các nước Common Law. Vấn đề bảo vệ người tiêu dùng (NTD) ở Anh được đặt ra
từ rất sớm. Các quy định pháp luật và hoạt động thực thi tại Anh có nhiều điểm
nổi bật để Việt Nam tham khảo và ứng dụng. Trong chuyên đề này, nhóm tác giả sẽ
giới thiệu và phân tích các quy định của pháp luật, đánh giá hiệu quả của hoạt
động bảo vệ NTD tại Anh, từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện quy định, nâng
cao hiệu quả áp dụng pháp luật tại Việt Nam.
Giải quyết vấn đề
1.Quy
định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tại Vương quốc Anh
Vương quốc Anh có lịch sử lâu dài trong việc bảo vệ
quyền lợi NTD. Kể từ giữa thế kỉ XX, NTD nước này đã được bảo vệ bởi hai khung
pháp lý lớn là Đạo luật
Bán hàng hóa 1979 và Đạo luật Cung cấp Hàng hóa và Dịch vụ 1982. Cho đến
nay, các bộ luật có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ NTD Vương quốc Anh có
thể kể đến: Đạo luật Quyền lợi Người tiêu dùng (CRA), Quy định bảo vệ người tiêu
dùng khỏi các giao dịch không công bằng năm (CPUTR), Quy định về Hợp đồng tiêu
dùng (Thông tin, Hủy bỏ và Phí bổ sung) (CCR) và Quy định về Thương mại điện tử
(ECR).
Các quy định này được xây dựng và ban hành để bảo
vệ NTD khỏi các hành vi bất hợp pháp và hành vi lừa dối của thương nhân và người
bán hàng, đồng thời là căn cứ pháp lý để NTD hiểu rõ về quyền hợp pháp của mình
và doanh nghiệp tuân thủ pháp luật dễ dàng hơn.
1.1. Đạo luật Quyền lợi
Người tiêu dùng (CRA) năm 2015
Một trong những đạo luật quan trọng nhất liên quan đến bảo vệ quyền lợi NTD ở
Vương quốc Anh là
Đạo luật Quyền lợi Người tiêu dùng (Consumer Rights
Act 2015 - CRA), được xây dựng dựa trên các nguyên tắc luật tiêu dùng nói chung
của EU (bao gồm: Chỉ thị
Bán hàng cho Người tiêu dùng 99/44/EC, Chỉ thị về các điều khoản không công bằng
trong Hợp đồng Người tiêu dùng 93/13/EEC và Chỉ thị về Quyền của Người tiêu dùng
2011/83/EU). CRA được đánh giá là “vượt xa các yêu cầu tối thiểu của EU”[3]
đặt ra đối với quy định về NTD, đồng thời tối ưu hóa các quy định bảo vệ NTD
trước đây của Vương quốc Anh dựa trên tiêu chí rõ ràng hơn, dễ hiểu hơn và hiện
đại hơn. Nói cách khác, CRA thực hiện chức năng kép là ban hành Luật EU và đơn
giản hóa luật trong nước.
Đạo luật này cơ bản đã
chi phối cách NTD mua và doanh nghiệp bán cho họ ở
Anh kể từ khi có hiệu lực vào ngày 1/10/2015.
CRA bao gồm 3 phần và tổng cộng có 101 điều. Trong
đó, phần 1 quy định các vấn đề về hợp đồng hàng hóa, hợp đồng dịch vụ và nội
dung số. Phần 2 là các quy định về điều khoản hợp đồng không công bằng. Phần 3
bao gồm các điều khoản khác và tổng quát. Ngoài ra, còn có 10 Phụ lục giải quyết
nhiều vấn đề (một số đưa ra các sửa đổi đối với các luật khác, một số khác là
điều khoản bổ sung về nội dung).
Một số khía cạnh pháp lý về bảo vệ NTD có thể được
xem xét thông qua CRA như sau:
Thứ nhất,
về một số định nghĩa.
NTD được CRA định nghĩa “là một cá nhân
hoạt động hoàn toàn hoặc chủ yếu vì các mục đích nằm ngoài hoạt động thương mại,
kinh doanh, nghề hoặc nghề nghiệp của cá nhân đó.”[4]
Theo đó, về mặt chủ thể, CRA chỉ coi NTD là cá nhân chứ không bao gồm các
chủ thể là pháp nhân như doanh nghiệp, tổ chức hay hộ gia đình. Về mục đích,
định nghĩa không chỉ rõ mục đích cụ thể của chủ thể này tuy nhiên bằng phương
pháp loại trừ, tất cả các hoạt động thuộc về mục đích kinh doanh hay nghề nghiệp
đều bị loại bỏ. Định nghĩa này tương đồng với định nghĩa về NTD trong hầu hết
các bộ luật hiện hành quy định về vấn đề tiêu dùng ở Vương quốc Anh. Ngoài ra,
trách nhiệm chứng minh một cá nhân không phải NTD thuộc về thương nhân theo quy
định tại khoản 4 điều 2 CRA.
Ngược lại với NTD, thương nhân được CRA định nghĩa
là “là một người hành động vì các mục đích
liên quan đến thương mại, kinh doanh, nghề hoặc nghề nghiệp của họ, dù hành động
với tư cách cá nhân hay thông qua người khác hành động dưới danh nghĩa của
thương nhân hoặc thay mặt cho thương nhân.” Về mặt chủ thể, thương nhân có
thể xuất hiện với tư cách cá nhân hoặc pháp nhân. Về mục đích, bắt buộc chủ thể
này phải thực hiện các hành động vì mục đích thương mại, kinh doanh hoặc nghề
nghiệp của họ.
Thương nhân và NTD được xem là hai loại chủ thể
chính được CRA điều chỉnh xuyên suốt trong các quy định. Trong đó, NTD là chủ
thể trung tâm, được hướng tới để bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên, CRA không vạch ra
các điều luật quy định riêng biệt về quyền và nghĩa vụ của từng loại chủ thể này
mà các quy định được sắp xếp theo từng loại hợp đồng bao gồm hợp đồng hàng hóa,
dịch vụ và nội dung số. Trong mỗi loại hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của từng loại
chủ thể sẽ được chỉ ra dựa trên quá trình hình thành, ký kết và thực hiện hợp
đồng.
Thứ hai,
về quyền cơ bản của NTD đối với hợp đồng hàng hóa.
Một là,
về phạm vi các loại hợp đồng hàng hóa được bảo vệ
theo luật này, bao gồm: (i) Hợp đồng mua bán; (ii) Hợp đồng thuê hàng hóa; (iii)
Hợp đồng thuê mua; (iv) Hợp đồng chuyển nhượng hàng hóa.
Hai là,
về yêu cầu cơ bản của một hợp đồng hàng hóa phải
đáp ứng đối với NTD, bao gồm: (i) Hàng hóa phải đạt yêu cầu chất lượng; (ii)
Hàng hóa phải phù hợp với mục đích sử dụng; (iii) Hàng hóa phải đúng như mô tả;
(iv) Các thông tin thỏa thuận trước hợp đồng phải có trong hợp đồng chính thức;
(v) Hàng hóa phải phù hợp với sản phẩm mẫu; (vi) Hàng hóa phải phù hợp với mẫu
đã xem hoặc kiểm tra; (vii) Hàng hóa phải được lắp đặt đúng cách nếu việc lắp
đặt thuộc trách nhiệm của thương nhân; (viii) Hàng hóa phải có nội dung số phù
hợp với quy định của luật này; (ix) Hàng hóa phải được cung cấp bởi thương nhân.
Ba là, về quyền của NTD khi yêu cầu cơ bản của một hợp
đồng hàng hóa không được đáp ứng (theo CRA gọi là các biện pháp khắc phục), bao
gồm:
(i) Quyền từ chối: CRA quy định ba quyền khác nhau
để từ chối hàng hóa là quyền từ chối ngắn hạn, quyền từ chối cuối cùng và quyền
từ chối do thương nhân vi phạm quyền cung cấp hàng hóa. NTD có thể từ chối một
phần hoặc toàn bộ hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, nhưng không được từ chối
bất kỳ hàng hóa nào phù hợp với hợp đồng[5]. Kể từ thời
điểm quyền từ chối được thực hiện, thương nhân có nghĩa vụ hoàn lại tiền cho NTD
và NTD có nghĩa vụ cung cấp hàng hóa để thương nhân đến nhận hoặc để trả lại
theo thỏa thuận (nếu có thỏa thuận về NTD trả lại hàng bị từ chối)[6]. Việc
hoàn lại tiền theo phần này phải được thực hiện không chậm trễ quá mức và trong
mọi trường hợp trong vòng 14 ngày kể từ ngày người bán đồng ý rằng NTD có quyền
được hoàn lại tiền[7] (chứ
không phải kể từ ngày NTD từ chối nhận hàng). Nếu NTD đã trả tiền theo hợp đồng,
thương nhân phải hoàn lại tiền bằng phương thức thanh toán giống như NTD đã sử
dụng, trừ khi NTD có thỏa thuận rõ ràng khác[8]. Thương
nhân không được áp đặt bất kỳ khoản phí nào đối với NTD liên quan đến việc hoàn
lại tiền[9].
(ii) Quyền sửa chữa hoặc thay thế: Nếu NTD yêu cầu
thương nhân sửa chữa hoặc thay thế hàng hóa thì thương nhân phải thực hiện việc
đó trong khoảng thời gian hợp lý và không gây bất tiện đáng kể tới NTD đồng thời
chịu mọi chi phí cần thiết phát sinh khi thực hiện việc đó (đặc biệt bao gồm chi
phí nhân công, vật liệu hoặc bưu phí)[10]. Mặt khác,
NTD không được yêu cầu thương nhân sửa chữa hoặc thay thế hàng hóa nếu việc đó
là không thể hoặc không tương xứng so với biện pháp khắc phục khác[11].
Ngoài ra, NTD không được không được yêu cầu thương nhân sửa chữa, thay thế hoặc
thực hiện quyền từ chối trong thời gian ngắn mà không cho thương nhân một thời
gian hợp lý để thay thế hàng hóa đó[12].
(iii) Quyền giảm giá hoặc quyền từ chối cuối cùng:
Quyền giảm giá là quyền yêu cầu thương nhân giảm một lượng thích hợp mức giá mà
NTD phải trả theo hợp đồng hoặc bất kỳ khoản nào khác mà NTD phải chuyển nhượng
theo hợp đồng và nhận được tiền hoàn lại từ thương nhân cho bất cứ thứ gì NTD đã
thanh toán hoặc chuyển nhượng trên số tiền đã giảm[13]. NTD chỉ
có thể thực hiện quyền giảm giá hoặc từ chối cuối cùng trong một số tình huống
nhất định, gồm: Sau một lần sửa chữa hoặc thay thế hàng hóa không phù hợp với
hợp đồng; các trường hợp NTD không thể yêu cầu sửa chữa hay thay thế hàng hóa;
NTD đã yêu cầu thương nhân sửa chữa hoặc thay thế hàng hóa nhưng thương nhân vi
phạm yêu cầu phải thực hiện việc đó trong thời gian hợp lý và không gây bất tiện
đáng kể cho NTD[14].
Mỗi biện pháp khắc phục chỉ được phép áp dụng đối
với những vi phạm nhất định của hàng hóa. Bảng dưới đây sẽ cung cấp cái nhìn
tổng quan về các vi phạm hàng hóa và các biện pháp khắc phục tương ứng với nó
theo CRA.
Các loại vi phạm của hàng hóa
|
Các biện pháp khắc phục được áp dụng
|
-
Hàng hóa không đạt yêu cầu chất lượng
-
Hàng hóa không phù hợp với mục đích sử dụng
-
Hàng hóa không đúng như mô tả
-
Hàng hóa không phù hợp với mẫu
-
Hàng hóa bao gồm nội dung số không tuân theo chương 3 luật này
|
-
Quyền từ chối ngắn hạn
-
Quyền sửa chữa hoặc thay thế
-
Quyền giảm giá
-
Quyền từ chối cuối cùng
|
-
Quyền lắp đặt không chính xác
-
Vi phạm các yêu cầu khác của hợp đồng
|
-
Quyền sửa chữa hoặc thay thế
-
Quyền giảm giá
-
Quyền từ chối cuối cùng
|
-
Thông tin thỏa thuận trước hợp đồng khác với điều khoản trong hợp đồng
|
-
Thu hồi từ thương nhân bất kỳ chi phí nào mà NTD phải gánh chịu do vi
phạm,
|
-
Vi phạm quyền cung cấp hàng hóa
|
-
Quyền từ chối (không bị giới hạn bởi thời gian)
|
Bảng mô tả các
vi phạm hàng hóa và biện pháp khắc phục tương ứng theo CRA[15]
Lấy một ví dụ như sau: A (NTD) đang tìm mua một chiếc máy khoan điện mới.
A có ý tưởng về một mô hình cụ thể và thảo luận các yêu cầu với nhân viên bán
hàng, bao gồm cả mục đích sử dụng chiếc khoan. Tuy nhiên, khi A thử khoan tường
bằng máy khoan mới, A nhận thấy rằng nó không phù hợp để sử dụng hiệu quả cho
công việc xây dựng. Mặc dù máy khoan có chất lượng đạt yêu cầu nhưng nó không
phù hợp với mục đích ban đầu mà A đã thông báo cho người bán. Vì vậy, A có quyền
yêu cầu biện pháp khắc phục đối với trường hợp này.
Bốn là, về quyền của NTD đối với các trường hợp khác về
khắc phục hậu quả trong hợp đồng hàng hóa, bao gồm:
(i) Giao hàng sai số lượng: Trường hợp thương nhân
giao cho NTD số lượng hàng hóa ít hơn số lượng hàng hóa mà thương nhân ký hợp
đồng cung cấp thì NTD có thể từ chối nhưng nếu NTD chấp nhận thì phải thanh toán
theo giá hợp đồng. Trường hợp thương nhân giao cho NTD số lượng hàng hóa lớn hơn
số lượng hàng hóa mà thương nhân ký hợp đồng cung cấp thì NTD có thể nhận hàng
hóa trong hợp đồng và từ chối số hàng còn lại hoặc có thể từ chối toàn bộ hàng
hóa. Nếu NTD nhận toàn bộ số hàng
hóa đã giao thì phải thanh toán theo giá hợp đồng.
(ii) Giao hàng trả góp: NTD không có nghĩa vụ phải
nhận hàng theo từng đợt, trừ trường hợp có thỏa thuận giữa NTD và thương nhân[16].
Trong trường hợp giữa họ có thỏa thuận về giao hàng trả góp, nếu thương nhân
giao hàng sai sót trong một hoặc nhiều đợt, NTD có quyền yêu cầu bồi thường
thiệt hại, quyền từ chối ngắn hạn hoặc từ chối hàng hóa theo từng đợt[17].
Thứ ba, về quyền cơ bản của
NTD đối với hợp đồng dịch vụ
Một là, về phạm vi.
CRA chỉ áp dụng cho hợp
đồng dịch vụ giữa thương nhân và NTD,
không
bao gồm hợp đồng lao động hoặc học việc hoặc các dịch vụ cụ thể có thể được chỉ
định bởi Bộ trưởng Ngoại giao[18].
Hai là,
về yêu cầu cơ bản của một hợp đồng dịch vụ phải đáp
ứng đối với NTD, bao gồm: (i) Dịch vụ phải được thực hiện thận trọng và bằng kỹ
năng phù hợp; (ii) Dịch vụ phải có giá cả hợp lý; (iii) Dịch vụ phải được thực
hiện trong khoảng thời gian hợp lý.
Ba là,
về cầu cơ bản của một hợp đồng dịch vụ không được
đáp ứng (biện pháp khắc phục), bao gồm:
(i) Quyền yêu cầu thực hiện lại dịch vụ: là quyền
yêu cầu thương nhân thực hiện lại dịch vụ trong phạm vi cần thiết để hoàn thành
việc thực hiện dịch vụ phù hợp với hợp đồng[19]. Trong
trường hợp, thương nhân phải thực hiện lại dịch vụ trong khoảng thời gian hợp lý
và không gây bất tiện đáng kể tới NTD, đồng thời phải chịu mọi chi phí cần thiết
phát sinh khi thực hiện việc đó (đặc biệt bao gồm chi phí nhân công hoặc vật
liệu).
(ii) Quyền giảm giá: chỉ được áp dụng nếu thuộc một
trong các trường hợp: NTD không thể thực hiện quyền yêu cầu thực hiện lại dịch
vụ do việc thực hiện lại không khả thi, hoặc thương nhân đã thực hiện lại dịch
vụ nhưng việc thực hiện lại không trong một khoảng thời gian hợp lý hoặc gây bất
tiện đáng kể cho NTD[20].
Lấy một ví dụ như sau: A (NTD) ký hợp đồng với một dịch vụ ăn uống để
cung cấp tiệc buffet cho ngày sinh nhật lúc 6 giờ chiều. Có một điều khoản trong
hợp đồng nêu rõ mức giảm giá tối đa cho bất kỳ vấn đề dịch vụ nào do nhà cung
cấp gây ra là £70. Tuy nhiên, buffet được giao muộn vào lúc 10 giờ tối khi bữa
tiệc sắp kết thúc. Theo Đạo luật, dịch vụ ăn uống đã vi phạm thông tin trong hợp
đồng của họ khi không giao hàng lúc 6 giờ chiều. Thời hạn giới hạn việc giảm giá
là không hợp lệ. Việc thực hiện lại dịch vụ không còn khả thi. A có quyền được
giảm giá (có thể lên tới 100%) do thương nhân không tuân thủ thông tin được cung
cấp.
Thứ tư, về quyền cơ bản của
NTD trên nội dung số
Chương 3 của CRA được xem là một trong những biện
pháp lập pháp đầu tiên được thiết kế đặc biệt cho nội dung số (digital content).
Nó xuất phát từ cuộc tranh luận về việc liệu phần mềm/nội dung kỹ thuật số có
được coi là “hàng hóa” hay không do trong bộ luật dân sự của Anh không có danh
mục riêng cho nội dung số. Mặt khác, xuất phát từ nhu cầu mua bán, trao đổi nội
dung số của NTD ngày càng tăng cao tại nước này do vậy họ cũng cần có khung pháp
lý để bảo vệ quyền lợi của mình trong các giao dịch về nội dung số như đối với
các loại hợp đồng hàng hóa khác. Vì lẽ đó,
CRA đã quyết định đưa ra một chương riêng về vấn đề cung cấp nội dung số
thay vì chỉ đơn giản mở rộng khái niệm về hàng hóa.
Một là,
về phạm vi.
Theo CRA, nội dung số được
định nghĩa “là dữ liệu được sản xuất và cung cấp dưới dạng số”[21]. Nó có thể
được chứa trong một sản phẩm vật lý (ví dụ: nhạc, phim, trò chơi hoặc phần mềm
có trong CD hoặc DVD) hoặc ở dạng vô hình (ví dụ: ứng dụng máy tính, ứng dụng
trên điện thoại di động/máy tính bảng và phim được phát trực tuyến)[22]. Tuy
nhiên, tại chương 3 của đạo luật này chỉ áp dụng đối với một số loại hợp đồng
cung cấp nội dung số, bao gồm: (i) Hợp đồng cung cấp nội dung số mà NTD phải trả
giá, (ii) Nội dung số được cung cấp miễn phí cùng với hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc
nội dung số khác mà NTD trả giá, (iii) Nội dung số thường không được cung cấp
cho NTD trừ khi họ đã trả giá cho nó, hoặc cho hàng hóa, dịch vụ hoặc nội dung
số khác. Có thể thấy, CRA không áp dụng cho nội dung số miễn phí, hay nói cách
khác là các hợp đồng không mang lại lợi nhuận từ NTD[23].
Lấy một ví dụ như sau:
A (NTD) tải xuống một trò chơi miễn phí (thế giới
ảo) và tích lũy một số tiền ảo trong trò chơi thông qua việc chơi trò chơi. Sau
đó, A mua thêm một số loại tiền ảo để mua hàng trong ứng dụng (một vật phẩm).
Vật phẩm bị lỗi và không xuất hiện trong thế giới ảo. Theo Đạo luật, vì trò chơi
là miễn phí nên nhà cung cấp không phải đưa ra biện pháp khắc phục cho bất kỳ
lỗi nào trong trò chơi. Tuy nhiên, sau khi A đã trả giá cho một số nội dung, nếu
A có thể chứng minh rằng nội dung đó bị lỗi, thì nhà cung cấp sẽ có trách nhiệm
đưa ra biện pháp khắc phục. Nhà cung cấp chỉ chịu trách nhiệm về những lỗi ảnh
hưởng đến các yếu tố tính phí của trò chơi.
Hai là,
về yêu cầu cơ bản của một nội dung số phải đáp ứng
đối với NTD, bao gồm: (i) Nội dung số phải đạt chất lượng; (ii) Nội dung số phải
phù hợp với mục đích cụ thể; (iii) Nội dung số phải như mô tả; (iv) Các thông
tin thỏa thuận trước hợp đồng phải có trong hợp đồng chính thức.
Ba là, về quyền của NTD khi yêu cầu cơ bản của một hợp
đồng nội dung số không được đáp ứng (bin pháp khắc phục), bao gồm:
(i) Quyền sửa chữa và thay thế: tương tự như đối
với hợp đồng hàng hóa
(ii) Quyền giảm giá Quyền giảm giá: tương tự như
đối với hợp đồng hàng hóa
(iii) Quyền được hoàn lại tiền: là quyền mà NTD
nhận được khoản hoàn lại từ thương nhân đối với tất cả số tiền mà họ đã trả cho
nội dung kỹ thuật số[24].
Việc hoàn lại tiền phải được thực hiện không chậm trễ quá mức và trong mọi
trường hợp trong vòng 14 ngày bắt đầu từ ngày người bán đồng ý rằng người tiêu
dùng có quyền được hoàn lại tiền[25].
Thương nhân phải hoàn lại tiền bằng phương thức thanh toán tương tự như phương
thức thanh toán mà NTD đã sử dụng để thanh toán cho nội dung kỹ thuật số, trừ
khi NTD có thỏa thuận rõ ràng khác[26]. Thương
nhân không được áp dụng bất kỳ khoản phí nào đối với người tiêu dùng liên quan
đến việc hoàn lại tiền[27].
Một điểm khác so với hợp đồng hàng hóa là NTD không
có quyền từ chối (dù là từ chối ngắn hạn hay từ chối cuối cùng). Tức là dù nội
dung số không đạt chất lượng hay không phù hợp với mục đích, NTD vẫn nhận được
sản phẩm và có quyền sử dụng chúng.
Thứ năm,
về quyền cơ bản của NTD
trong các hợp đồng không công bằng.
Các chương về các điều
khoản hợp đồng không công bằng trong CRA đã thay thế Đạo luật về các điều khoản
hợp đồng không công bằng năm 1977 và Quy định về hợp đồng người tiêu dùng năm
1999. Trong đó, hợp đồng không công bằng được hiểu là hợp đồng có chứa ít nhất
một điều khoản không thiện chí, gây ra sự mất cân bằng đáng kể về quyền và nghĩa
vụ của các bên trong hợp đồng, gây bất lợi cho người tiêu dùng. Đây là thuật ngữ
tương đối phổ biến trong các đạo luật về NTD ở EU.
CRA áp dụng cho tất cả các hợp đồng (dù bằng văn
bản hay không) giữa NTD và thương nhân (hoặc doanh nghiệp). Hợp đồng giữa NTD
với NTD và doanh nghiệp với doanh nghiệp không thuộc phạm vi áp dụng. Các quy
định CRA cũng áp dụng cho thông báo do thương nhân đưa ra dành cho NTD, ngay cả
khi thông báo đó không phải là một phần của hợp đồng[28].
Trọng tâm của các quy định này là việc ban hành một
“danh sách xám” và “danh sách đen” các điều khoản được xem là không công bằng.
“Danh sách xám” được CRA đề cập ở phụ lục 2 của đạo luật, bao gồm 20 nội dung
được xem là có thể không công bằng (ở mức độ tương đối). Nếu điều khoản trong
hợp đồng của thương nhân và NTD có cách diễn đạt tương đồng với các nội dung
được danh sách xám liệt kê thì sẽ bị nghi ngờ là điều khoản không công bằng. Còn
“danh sách đen” bao gồm các điều khoản và thông báo nếu xuất hiện trong hợp đồng
sẽ tự động không thể thực thi được đối với NTD (ở mức độ tuyệt đối). Thẩm quyền
xác định và xử lý các hợp đồng không công bằng thuộc về một số cơ quan nhất
định, bao gồm: (i) Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA); (ii) Cục Doanh
nghiệp, Thương mại và Đầu tư khu vực phía Bắc Ireland (DETI); (iii) Cơ quan quản
lý trọng lượng và đo lường địa phương ở Anh; (iv) Cơ quan Quản lý Tài chính
(FCA); (v) Văn phòng Truyền thông (Ofcom); (vi) Ủy viên Thông tin; (vii)
Cơ quan thị trường điện và khí đốt; (viii)
Cơ quan Quản lý Dịch vụ Nước (Ofwat); (ix) Văn phòng quản lý đường sắt
(ORR); (x) Cơ quan quản lý tiện ích Bắc Ireland; (xi)
Hiệp hội người tiêu dùng.
Nhìn chung, CRA đã tạo ra một bước tiến đáng kể
trong việc tách luật pháp về hợp đồng tiêu dùng khỏi luật áp dụng cho các hợp
đồng nói chung[29],
đồng thời đơn giản hóa và hợp nhất các luật tiêu dùng còn rải rác trước đây tại
Vương quốc Anh. Đạo luật này có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp khi
ký kết hợp đồng với NTD, tạo ra hành lang pháp lý giúp NTD tránh khỏi vị thế yếu
trong các giao dịch với thương nhân.
1.2. Quy định bảo vệ người
tiêu dùng khỏi các giao dịch không công bằng năm 2008 (CPUTR)
Không giống như nhiều quốc gia khác, Vương quốc Anh không có luật cạnh tranh
không lành mạnh. Thay vào đó, họ sử dụng
Quy định bảo vệ người tiêu dùng khỏi các giao dịch không công bằng (The Consumer
Protection from Unfair Trading Regulations - CPUTR) để cung cấp sự bảo vệ rộng
rãi cho NTD chống lại các hoạt động kinh doanh không công bằng làm sai lệch việc
đưa ra quyết định của họ.
CPUTR được ban hành dựa trên Chỉ thị về Thực hành
Thương mại Không Công bằng 2005/29/EC và có hiệu lực vào ngày 26 tháng 5 năm
2008.
Thứ nhất, về phạm vi. CPUTR áp
dụng đối với mọi hoạt động thương mại diễn ra giữa thương nhân và NTD, bao gồm
cả các hoạt động diễn ra trước, trong và sau giao dịch (Ví dụ như hoạt động thu
nợ, dịch vụ sau bán hàng, việc hủy bỏ hợp đồng,...). Nói cách khác, bất kỳ khía
cạnh nào của hoạt động kinh doanh liên quan trực tiếp đến việc bán sản phẩm cho
NTD đều được CPUTR bảo vệ.
Thứ hai, về nội dung.
CPUTR liệt kê 31 hành vi
thương mại được coi là không công bằng và bị cấm trong mọi trường hợp. Các hành
vi này có ý nghĩa gần tương đồng với “danh sách đen” quy định tại CRA 2015. Đồng
thời, CPUTR cũng có các quy định nghiêm cấm các hành động gây hiểu lầm và nhầm
lẫn trong giao dịch thương mại, các thông tin sai lệch nói chung và cấm các hoạt
động thương mại mang tính hung hãn.
Tuy nội dung về điều khoản hợp đồng không công bằng
đã được quy định mới tại phần 2 CRA 2015 nhưng CPUTR vẫn được coi là có hiệu lực
cho đến thời điểm hiện tại. Sự thay thế của CRA chỉ mang tính chất tương đối, do
phạm vi rộng lớn của mình, một số nội dung của CPUTR vẫn có giá trị pháp lý ngay
cả khi luật mới đã có hiệu lực.
Thứ ba, về cơ quan thi hành.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi CPUTR bao gồm: (i) Dịch vụ Tiêu chuẩn
Thương mại của Chính quyền Địa phương (TSS); (ii) Bộ Doanh nghiệp; (iii) Thương
mại và Đầu tư ở Bắc Ireland và (iv) Văn phòng Thương mại công bằng OFT.
1.3. Quy định về Hợp đồng
tiêu dùng (Thông tin, Hủy bỏ và Phí bổ sung) năm 2013 (CCR)
Quy định về Hợp đồng tiêu dùng (Thông tin, Hủy bỏ
và Phí bổ sung) năm 2013 (The Consumer Contract Regulations - CCR) áp dụng cho
tất cả các hợp đồng kinh doanh với NTD được ký kết sau ngày 13 tháng 6 năm 2014.
CCR chủ yếu bao gồm
các quy tắc về thông tin trước hợp đồng, việc hủy
bỏ hợp đồng và quy định về các khoản phí bổ sung đối với hợp đồng. Theo đó,
quyền của NTD được thể hiện thông qua các loại hợp đồng gồm hợp đồng tại chỗ,
hợp đồng từ xa (trực tuyến hoặc qua điện thoại), hợp đồng ngoài cơ sở (gặp mặt
trực tiếp ở một nơi nào đó không phải là cơ sở kinh doanh của thương nhân)
Đối với hợp đồng từ xa hoặc ngoài cơ sở, trước khi
NTD bị ràng buộc bởi hợp đồng, thương nhân phải cung cấp các thông tin về: (i)
mô tả về hàng hóa, dịch vụ hoặc nội dung kỹ thuật số, bao gồm cả thời gian cam
kết của NTD; (ii) tổng giá của hàng hóa, dịch vụ hoặc dịch vụ kỹ thuật số hoặc
cách tính giá nếu không thể xác định được giá này; (iii) phương thức thanh toàn
và thời gian giao hàng; (iv) tất cả các khoản phí giao hàng bổ sung và các chi
phí khác; (v) chi tiết về người trả chi phí trả lại hàng nếu NTD có quyền hủy và
thay đổi ý định; (vi) chi tiết về bất kỳ quyền hủy hợp đồng nào; (vi) thông tin
về người bán, bao gồm địa chỉ và chi tiết liên hệ của họ cũng như địa chỉ và
danh tính của bất kỳ thương nhân nào khác mà thương nhân đại diện; (vii) thông
tin về tính tương thích của nội dung kỹ thuật số với phần cứng và phần mềm khác
mà thương nhân biết (hoặc có thể dự đoán là sẽ biết) - đối với nội dung số.
Đối với hợp đồng tại chỗ, thương nhân không phải
cung cấp nhiều thông tin trong trường hợp này nhưng vẫn phải để NTD biết về một
vài thông tin cơ bản nhất định.
Đối với quyền hủy hợp đồng từ xa, CCR quy định về
một khoảng thời gian 14 ngày gọi là thời gian “hạ nhiệt”,
trong đó khách hàng mua hàng ở xa có thể hủy hợp đồng mà không cần phải đưa ra
lý do hoặc chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào. Tức là đối với hợp đồng từ xa,
NTD có 14 ngày để thay đổi ý định và trả lại hàng hoặc hủy dịch vụ để được hoàn
lại toàn bộ tiền. Tất nhiên, CCR cũng có quy định cho các trường hợp và quy tắc
ngoại lệ đối với thời gian “hạ nhiệt” nói trên.
1.4. Quy định về Thương mại
điện tử (ECR)
Khi công nghệ và mô hình kinh doanh mới xuất hiện,
sự phát triển của thương mại điện tử và thị trường trực tuyến đã tạo ra những
thách thức mới cho việc bảo vệ NTD. Quy định về Thương mại điện tử (The
Electronic Commerce (EC Directive) Regulations 2002 - ECR) đã ra đời vào năm
2002 nhằm áp dụng cho các
hợp đồng được ký kết bằng phương tiện điện tử từ xa.
Cũng giống như CCR, ECR chú trọng đến việc NTD có quyền được nằm bắt những thông
tin gì từ thương nhân trước khi thiết lập một hợp đồng mua bán từ xa.
Theo ECR, thông tin của người bán phải được cung cấp
trực tiếp và vĩnh viễn cho NTD thông qua trang web, bao gồm: (i) Tên, địa chỉ
bưu điện (và địa chỉ văn phòng đã đăng ký nếu có) và địa chỉ email; (ii) Số đăng
ký của công ty; (iii) Mã số VAT của công ty; (iv) Tên của bất kỳ sổ đăng ký
thương mại nào có thể truy cập công khai (hoặc tương tự) cùng với số đăng ký
hoặc các phương tiện nhận dạng khác trong sổ đăng ký; (v) Thông tin chi tiết về
bất kỳ cơ quan giám sát nào nếu dịch vụ của người bán tuân theo chương trình ủy
quyền (chẳng hạn như giấy phép, chứng nhận hoặc đăng ký); (vi) Thông tin chi
tiết về bất kỳ cơ quan chuyên môn nào mà người bán đã đăng ký, mọi chức danh
chuyên môn của người bán và minh chứng về liệu chức danh đó có được cấp ở Vương
quốc Anh; (vii) Chi tiết về các quy tắc thực hành ngành nghề mà người bán đã
đăng ký.
Sau khi hợp đồng có khả năng được ký kết, NTD tiếp
tục được quyền biết các thông tin về hợp đồng, gồm: (i) Giá cả và liệu chúng có
bao gồm thuế và chi phí giao hàng hay không; (ii) Các bước thực hiện hoàn tất
hợp đồng trực tuyến; (iii) Khả năng hợp đồng sẽ được lưu trữ và/hoặc có thể truy
cập vĩnh viễn hay không; (iv) Phương tiện kỹ thuật mà trang web sử dụng để cho
phép NTD phát hiện và sửa các lỗi mắc phải khi nhập thông tin chi tiết của họ
trước khi đặt hàng; (v) Ngôn ngữ được cung cấp để ký kết hợp đồng.
Có thể nói, ECR xây dựng nên các quy định vô cùng
chặt chẽ đối với nghĩa vụ của thương nhân trên các giao dịch thương mại điện tử.
Do vậy, đây vẫn được xem là căn cứ pháp lý quan trọng về thương mại điện tử cho
đến hiện tại dù nó đã được ban hành cách đây hơn 20 năm.
Tiểu kết:
Có thể thấy, Vương quốc Anh sở hữu một hệ thống các
luật về bảo vệ NTD tương đối phong phú. Các luật này có phần trùng nhau về phạm
vi áp dụng. Điểm chung của chúng là đều nhằm mục đích bảo vệ NTD khỏi những tác
động có hại từ các hoạt động kinh doanh phi đạo đức, gian lận hoặc không an
toàn, từ đó thúc đẩy sự tự tin, tin cậy và hài lòng của NTD trên thị trường.
Trong đó, CRA là cơ sở pháp lý trung tâm và quan trọng nhất để bảo vệ quyền lợi
NTD tại Vương quốc Anh.
Mặt khác, sự kiện Anh rời khỏi EU đã ảnh hưởng phần
nào đến quyền lợi NTD, khiến cho chính phủ Vương quốc Anh buộc phải đề ra một số
giải pháp nhằm đảm bảo duy trì sự bảo vệ NTD ở mức độ cao. Chẳng hạn, trước đây,
khách hàng ở Vương quốc Anh có khả năng yêu cầu bồi thường đối với giao dịch
được thực hiện với các doanh nghiệp ở các quốc gia EU khác thông qua nền tảng
Giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) của Liên minh châu Âu[30]. Do
vậy, Chính phủ đã phải thiết lập nền tảng Giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR)
mới để thay thế nền tảng EU trước đây. Tuy nhiên, nhìn chung, các quy định về
bảo vệ NTD của Vương quốc Anh cơ bản không thay đổi.
2.Thực
tiễn áp dụng pháp luật bảo vệ người tiêu dùng tại Vương quốc Anh
Với bề dày lịch sử trong việc bảo vệ quyền lợi NTD,
thực tiễn áp dụng pháp luật tại Vương quốc Anh đã có từ những năm 1932. Một số
vụ án điển hình cho hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD trước khi CRA 2015 được ban
hành:
Donoghue với Stevenson (1932): Vụ án mang tính bước
ngoặt này đã thiết lập “nguyên tắc láng giềng” và đặt nền móng cho các nền văn
minh hiện đại.thiếu
trách nhiệm
pháp luật, bao gồm cả sản phẩm
trách nhiệm pháp lý
trong Luật Người tiêu dùng. Trong trường hợp này, một người phụ nữ đã uống một
cốc bia gừng có chứa một con ốc sên đang phân hủy được tìm thấy bên trong chai,
khiến cô bị ốm. Cô kiện nhà sản xuất vì sự sơ suất và tòa án đã ra phán quyết có
lợi cho cô, cho rằng nhà sản xuất nợ một khoản tiền lớn và có
bổn phận chăm sóc
tới NTD.
Beale với Taylor (1967): Trường hợp này là một ví
dụ về việc hàng hóa không đúng như mô tả theo Đạo luật Mua bán Hàng hóa 1979
(nay là Đạo luật Quyền lợi NTD 2015). Một chiếc ô tô được mô tả là “Herald mui
trần” trong quảng cáo, nhưng hóa ra đó là hai mẫu ô tô khác nhau được hàn lại
với nhau. Tòa án ra phán quyết chiếc xe không đúng như mô tả và người mua có
quyền được hoàn lại tiền.
MacDonald với Pollock (1973): Trong trường hợp này,
một người phụ nữ mua một chiếc váy vải bị rách sau khi giặt khô. Tòa án nhận
thấy chiếc váy không đạt chất lượng theo Đạo luật Bán hàng hóa (nay là Đạo luật
Quyền lợi NTD), vì nó không thể chịu được quy trình làm sạch hợp lý và người mua
có quyền được hoàn lại tiền.
Từ khi Luật bảo vệ NTD ban hành năm 2015, nhiều
biện pháp bảo vệ NTD được áp dụng trên thực tế, mang lại những hiệu quả nhất
định. Các chủ thể tham gia bảo vệ NTD đa dạng từ cơ quan nhà nước đến các tổ
chức xã hội. Các biện pháp xử lý cũng phong phú, bao gồm các chế tài hành chính,
hình sự, dân sự, các biện pháp thay thế… Một số điểm nổi bật trong quá trình áp
dụng pháp luật bảo vệ NTD tại Anh thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, các cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ
NTD.
02 cơ quan chính chịu trách nhiệm thực thi bảo vệ
NTD ở Anh là Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA) và Cơ quan Quản lý Tài chính
(FCA). Cả CMA và FCA đều được điều hành độc lập, được thành lập theo quy chế, có
trụ sở tại London. Tuy nhiên, CMA có đại diện ở các quốc gia được ủy quyền là
Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland.
Ngoài hai cơ quan chính này, còn có một số cơ quan
chuyên ngành khác đang hoạt động bảo vệ NTD như:
Cơ quan thị trường điện và khí đốt (GEMA). GEMA bảo
vệ lợi ích của NTD năng lượng hiện tại và tương lai, liên quan đến việc giảm khí
thải nhà kính, an ninh cung cấp năng lượng và thúc đẩy cạnh tranh hiệu quả trong
lĩnh vực này. GEMA cũng là cơ quan quản lý của Văn phòng Thị trường Điện và Khí
đốt OFGEM nhằm nâng cao giá trị cho NTD, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho
các thế hệ tương lai, giám sát và điều tiết ngành năng lượng.
Văn phòng Truyền thông (OFCOM) có trách nhiệm thúc
đẩy nhiều loại dịch vụ truyền thông chất lượng cao, thúc đẩy cạnh tranh, đảm bảo
NTD được bảo vệ khỏi tài liệu gây khó chịu hoặc có hại...
Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm chịu trách nhiệm về an
toàn vệ sinh thực phẩm.
Cơ quan quản lý dịch vụ nước (OFWAT) thúc đẩy cạnh
tranh trong ngành nước, đảm bảo các chức năng của các công ty nước được thực
hiện.
Văn phòng Đường sắt và Đường bộ (ORR) quản lý các
nhà khai thác đường sát, đảm bảo an toàn cho mạng lưới đường sắt và giám sát
việc quản lý mạng lưới đường bộ chiến lược.
Cơ quan Hàng không Dân dụng (CAA) quản lý ngành
hàng không đảm bảo việc tuân thủ các tiêu chuẩn cao, có sự cạnh tranh cho phép
NTD lựa chọn và đánh giá cao, thúc đẩy cải tiến trong các hãng hàng không và sân
bay cũng như quản lý rủi ro an ninh.
Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Y tế (MHRA) chịu
trách nhiệm đảm bảo rằng các thiết bị y tế và y tế hoạt động chính xác.
Thứ hai, Tòa án tham gia bảo vệ NTD thông qua các phán
quyết, án lệ. Vương quốc Anh là quốc gia thuộc hệ thống các nước Common law. Do
đó, vai trò của các án lệ được đề cao trong quá trình thực thi pháp luật. Trong
lĩnh vực bảo vệ NTD, các phán quyết của tòa án đã có những đóng góp nổi bật như:
áp dụng các chế tài hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền lợi của NTD, đánh
dấu bước khởi đầu cho biện pháp khởi kiện tập thể bảo vệ NTD…
Vụ kiện chống lại Nicholas Garbett, Richard Commons
và Craig Flint, liên quan đến hai công ty bảo trì và sửa chữa máy hút bụi, TDM
(Midlands) Ltd có trụ sở tại Ashby và Independent Dyson Service Team Ltd (IDST).
Cả bị cáo đã khai man giá của dịch vụ hút bụi là 14,99 bảng Anh là giá chiết
khấu, trong khi thực tế đó là giá tiêu chuẩn.
Trong một phiên tòa tại Derby Crown Court, người bán khẳng định “ưu đãi đặc biệt” giá thấp là
để khách hàng đồng ý cho họ đến tư vấn và sau đó họ có thể bán cho NTD những bộ
phận thay thế với giá cao. NTD trả trước các khoản tiền nhưng thường không bao
giờ được giao hàng. Cả ba đều bị kết tội lừa đảo liên quan đến hoạt động kinh
doanh và bị loại khỏi chức vụ giám đốc công ty. Garbett và Flint cũng đã bị kết
án tổng cộng 51 tháng tù.
Thành viên nội các của Hội đồng về sức khỏe và cộng
đồng Hạt Derbyshire, Carol Hart cho biết sau vụ án: “Ba người đàn ông này đã cố
tình lừa gạt khách hàng và chúng tôi hoan nghênh bản án mà tòa án đưa ra. Gọi
điện ngẫu nhiên cho mọi người và hứa hẹn cung cấp dịch vụ rồi sau đó làm họ thất
vọng và bỏ rơi họ là điều đáng khinh bỉ và các cán bộ tiêu chuẩn giao dịch của
chúng tôi sẽ luôn truy đuổi những kẻ lừa đảo như thế này. Các bản án gửi đi một
thông điệp mạnh mẽ tới những người khác có thể đang hoạt động như thế này rằng
chúng tôi sẽ không tha thứ cho điều đó và tôi hy vọng nó sẽ gửi một thông điệp
trấn an đến người dân của chúng tôi rằng chúng tôi sẽ theo dõi và điều tra các
báo cáo khi họ nói với chúng tôi rằng các công ty hoặc cá nhân đang hoạt động
theo cách này.”[31]
Không chỉ bảo vệ NTD, Tòa án còn bảo vệ các lợi ích
hợp pháp của thương nhân, tránh tình trạng lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi NTD để
kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp.
Vào tháng 12 năm 2016, CMA đã triển khai một nghiên
cứu thị trường về
các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra, CMA đã ủy thác nghiên cứu từ Ipsos
MORI về trải nghiệm của cư dân và gia đình họ khi lựa chọn cơ sở chăm sóc. Báo
cáo này được đưa ra vào tháng 8 và cập nhật vào tháng 11 năm 2017. Báo cáo xác
định nhiều mối lo ngại khác nhau về tính minh bạch của giá cả, thông tin và thông lệ của một số nhà cung cấp
dịch vụ chăm sóc tại nhà về việc tính phí quản lý trả trước.
CMA đã khởi xướng một số trường hợp bảo vệ NTD liên
quan đến phí hành chính mà Care UK tính cho những cư dân tự tài trợ tại các viện
dưỡng lão ở Anh. Care UK đã ngừng thu phí này đối với cư dân mới vào tháng 8 năm
2018 nhưng từ chối hoàn trả khoản phí mà khoảng 1600 cư dân đã trả trong khoảng
thời gian từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 8 năm 2018, theo yêu cầu của CMA. Cả
CMA và Care UK đều có những lập luận của riêng mình.
CMA cho rằng: Care UK đã vi phạm luật bảo vệ NTD
khi yêu cầu cư dân phải trả một khoản phí hành chính đáng kể không hoàn lại mà
họ không nhận được dịch vụ hoặc sản phẩm nào, điều này là không công bằng. Việc
kiểm tra tính công bằng theo Phần 2 của Đạo luật Quyền lợi NTD 2015 coi một điều
khoản là không công bằng nếu nó vi phạm yêu cầu về thiện chí và gây ra sự mất
cân bằng đáng kể về quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng của các bên theo cách gây
bất lợi cho NTD. Mô tả của Care UK về khoản phí và mục đích của khoản phí đó đã
cấu thành một hành vi thương mại gây hiểu lầm và mang tính bắt buộc, trái với
Quy định bảo vệ NTD khỏi các quy định giao dịch không công bằng năm 2008.
Care UK lập luận rằng phí hành chính là cần thiết
để trang trải chi phí tuyển dụng những người quản lý quan hệ khách hàng, những
người gặp gỡ những cư dân tương lai, cung cấp cho họ tất cả thông tin họ cần để
quyết định xem ngôi nhà có phù hợp với họ hay không và quản lý quy trình hợp
đồng. Nếu họ quyết định tiến hành chuyển vào nhà. Các nhà điều hành đôi khi phải
chịu chi phí trong việc cá nhân hóa phòng theo nhu cầu của cư dân. Care UK cũng
nhấn mạnh rằng mặc dù họ không đề cập đến phí hành chính trên trang web của họ
hoặc trong các yêu cầu qua điện thoại ban đầu (chỉ đưa ra phí nội trú hàng
tuần), trang web này đã đưa ra tuyên bố từ chối trách nhiệm đề cập đến việc đánh
giá trước nhu cầu chăm sóc cá nhân.
Tòa án Tối cao công nhận rằng Care UK đã thực hiện
các hoạt động quan trọng trước khi tiếp nhận một cư dân tự tài trợ mới, nhằm
chuẩn bị cho việc tiếp nhận mỗi cư dân mới và không liên quan đến việc cung cấp
chỗ ở hoặc chăm sóc cho cư dân tương lai. Thẩm phán tuyên bố rằng không có lý do
gì mà nhà điều hành không nên tính phí riêng cho những chi phí đáng kể của các
dịch vụ đó. Tòa án xác định rằng “NTD bình thường” trong bối cảnh lựa chọn nhà
chăm sóc này là thành viên gia đình hoặc đại diện khác của cư dân tại nhà chăm
sóc tương lai. Sở dĩ vì CMA trong nghiên cứu thị trường nhà chăm sóc của mình,
đã kết luận rằng “NTD trung bình” trong kịch bản này sẽ là cư dân tương lai có
khả năng được coi là thuộc nhóm NTD dễ bị tổn thương hơn.
Báo cáo Ipsos MORI do CMA ủy quyền và dữ liệu do
Care UK cung cấp đã chứng minh rằng là những NTD này đã đưa ra những quyết định
cẩn thận, sáng suốt. Khoảng 60% khách hàng tự trả tiền đã đến thăm ít nhất 02
ngôi nhà khác và khoảng 40% đã đến thăm ít nhất 03 ngôi nhà khác trước khi chọn
một ngôi nhà và thường thực hiện 03 lần đến thăm ngôi nhà của Care UK trước khi
quyết định tiếp tục đăng ký. Do đó, thẩm phán không đồng ý với khẳng định của
CMA rằng khả năng đưa ra quyết định hợp lý của NTD tại nhà chăm sóc trung bình
bị suy giảm do hoàn cảnh của họ.[32]
Thứ ba, cơ chế khởi kiện tập thể được phát huy.
Đạo luật Cạnh tranh 1998 (được sửa đổi bởi Đạo luật
Quyền lợi NTD 2015) đã đưa vào luật pháp Vương quốc Anh cơ chế khởi kiện tập thể
đối với thiệt hại do vi phạm luật cạnh tranh. Các thủ tục tố tụng tập thể được
bắt đầu khi một đại diện tập thể được đề xuất nộp đơn khiếu nại lên Tòa phúc
thẩm Cạnh tranh (CAT) thay mặt cho một nhóm NTD. Tuy nhiên, trước khi quá trình
tố tụng có thể tiến triển, CAT phải chứng nhận rằng các khiếu nại là phù hợp để
đưa ra xét xử tập thể bằng cách ban hành Lệnh tố tụng tập thể (CPO).
Phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Merricks với
Mastercard [2020] UKSC 51 làm rõ các tiêu chí để thấy rằng một cơ chế khởi kiện
tập thể hiệu quả là rất quan trọng để bảo vệ NTD, bao gồm cả hoạt động như một
biện pháp ngăn chặn hành vi phản cạnh tranh.
Vào năm 2016, ông Merricks, đại diện tập thể được
đề xuất, đã đưa ra đơn đăng ký yêu cầu bồi thường trị giá 14 tỷ bảng Anh tại CAT
thay mặt cho 46,2 triệu NTD ở Vương quốc Anh. Đơn kiện được đưa ra vì cáo buộc
tổn thất kéo dài hơn 16 năm trên tất cả các lĩnh vực bán lẻ trong nền kinh tế
Vương quốc Anh do phí trao đổi phản cạnh tranh của Mastercard áp dụng cho các
giao dịch thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng.
CAT xác định rằng các khiếu nại không đủ điều kiện
để đưa ra xét xử tập thể và từ chối cấp CPO vì hai lý do chính:
(i) Khả
năng dữ liệu không đầy đủ và/hoặc không đáng tin cậy sẽ khiến việc thử nghiệm
trở nên quá khó khăn để đạt được kết luận đủ chắc chắn về lượng tử cho toàn bộ
lớp. Vì vậy, yêu cầu bồi thường không phù hợp để đưa ra phán quyết tổng hợp về
thiệt hại.
(ii)
Phương pháp được đề xuất để phân phối bất kỳ khoản
bồi thường thiệt hại nào cho các thành viên tập thể đã không tính đến tổn thất
mà từng thành viên tập thể phải gánh chịu và do đó, không đáp ứng nguyên tắc đền
bù đã có từ lâu.
Ông Merricks đã kháng cáo, cho rằng CAT đã mắc một
số sai sót về luật dẫn đến ngưỡng chứng nhận quá cao. Tòa án phúc thẩm đã bác bỏ
việc CAT từ chối cấp CPO. Mastercard đã kháng cáo quyết định này lên Tòa án Tối
cao (UKSC).
Vào ngày 11 tháng 12 năm 2020, UKSC đã bác bỏ đơn
kháng cáo của Mastercard và gửi lại đơn đăng ký CPO của ông Merricks cho CAT để
xem xét lại vấn đề chứng nhận. Như vậy, UKSC đã làm rõ các tiêu chí để chứng
nhận các thủ tục tố tụng tập thể, hạ thấp một cách hiệu quả các rào cản do CAT
đặt ra trước đây đối với các khiếu nại thuộc loại này được tiến hành. Quyết định
của UKSC tại Merricks là tin tức đáng mừng đối với những người yêu cầu bồi
thường và các nhà hỗ trợ pháp lý vì nó sẽ cho phép CAT xử lý các đơn đăng ký CPO
(vốn vẫn đang chờ phán quyết về vụ Merricks với Mastercard ).[33]
Thứ tư, thanh tra dịch vụ tài chính và các cơ chế ADR khác.
Chương trình thanh tra cao cấp nhất ở Vương quốc
Anh là chương trình thanh tra tài chính (FOS) hoạt động theo cơ sở theo luật
định và được giám sát bởi Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA). Ngoài ra, FOS còn bao
gồm các yếu tố hòa giải, phân xử và quyết định cuối cùng của Thanh tra viên.
Việc giải quyết tranh chấp có thể mất từ vài tuần đến 2 năm để giải quyết. Ba
phần tư số NTD đã sử dụng dịch vụ sẽ giới thiệu dịch vụ này cho bạn bè và gia
đình của họ. 73% người dân hài lòng với khoảng thời gian giải quyết tranh chấp
và cùng lượng người dùng nói chung hài lòng với dịch vụ:
Dịch vụ Thanh tra Tài chính mang lại một số lợi
ích: NTD sử dụng miễn phí; các doanh nghiệp phải tham gia; dịch vụ này có cấu
trúc chặt chẽ, nhiều lớp, chuyên nghiệp, độc lập và không thiên vị; sự việc có
thể được giải quyết ở giai đoạn hòa giải hoặc xét xử nếu hai bên chấp nhận quyết
định; NTD có quyền kháng cáo lên Tòa án…
Tuy nhiên, dịch vụ này cũng tồn tại một số hạn chế:
cả hai bên phải đồng ý trước khi đưa ra giải pháp mang tính ràng buộc trước giai
đoạn Thanh tra trong quy trình; áp dụng hạn chế về thời gian sử dụng dịch vụ; có
giới hạn trên đối với khoản bồi thường là 150.000 bảng Anh…
Bên cạnh đó, NTD có thể sử dụng các hình thức ADR
khác, chẳng hạn như trọng tài, dựa trên một điều khoản trong hợp đồng quy định
về điều này. Những điều khoản như vậy có thể hoạt động không công bằng và luật
kiểm soát chúng đã có hiệu lực từ năm 1988. Theo điều khoản s.91 của Đạo luật
Trọng tài 1996, một điều khoản đề cập các tranh chấp hiện tại hoặc tương lai ra
trọng tài sẽ được coi là “không công bằng” theo Phần II của Quyền của Người tiêu
dùng tại CRA năm 2015 trong đó giá trị tranh chấp không vượt quá số tiền được
chỉ định - hiện tại là 5.000 bảng Anh.
Thứ năm, các tổ chức xã hội bảo vệ NTD.
Nhiều tổ chức bảo vệ NTD đã và đang hoạt động hiệu quả tại Vương quốc Anh. Văn
phòng Tư vấn Công dân (CAB), Tài chính công bằng, Hội đồng người tiêu dùng dịch
vụ tài chính, Ủy ban tư vấn về viễn thông (ACT), Ủy ban dịch vụ khách hàng Ofwat
(CSC) (Nước)… Các tổ chức này ở tại Luân Đôn và khắp nơi trên lãnh thổ Vương
quốc Anh.
CAB là các tổ chức từ thiện, do đó được quản lý bởi
luật pháp về tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh, cam kết thực hiện các mục tiêu
từ thiện và xã hội khác nhau. Đồng thời CAB cũng là một công ty TNHH, được điều
chỉnh bởi các quy định của luật công ty, cam kết thực hiện các mục tiêu của mình
và tất nhiên là đảm bảo lợi nhuận (nhằm mục đích hỗ trợ các mục tiêu từ thiện).
CAB không có quyền thực hiện hành động ngăn chặn đó ngoài phạm vi các điều khoản
không công bằng. Tuy nhiên, CAB có khả năng khiếu nại với CMA về một giao dịch
đang hoặc có vẻ có dấu hiệu vi phạm đáng kể, gây tổn hại đến quyền lợi của NTD.
Tháng 12 năm 2015, CAB đã gửi đơn khiếu nại lên Văn phòng Đường sắt và Đường bộ,
lập luận rằng hầu hết hành khách đi đường sắt bị chậm trễ đu không biết và cũng
không nộp đơn yêu cầu khoản bồi thường mà họ được hưởng; và điều này xuất phát
từ một số đặc điểm nhất định của thị
trường đường sắt chở khách.
Hoạt động của các tổ chức bảo vệ NTD bao gồm thông
tin, giáo dục, tư vấn, vận động miễn phí liên quan đến cải cách luật pháp,
nghiên cứu luật pháp và chính sách (những thách thức hiện tại và tương lai). Đặc
biệt là thử nghiệm so sánh (và công bố kết quả), cung cấp các sản phẩm và dịch
vụ thương mại (ví dụ: tạp chí, chuyển nhượng, thế chấp),…
Cùng với Cơ quan quản lý tài chính, Cơ quan cạnh
tranh và thị trường, Cơ quan quản lý tiêu chuẩn giao dịch của chính quyền địa
phương và các cơ quan quản lý khác nhau, có quyền tìm kiếm sự đảm bảo và cuối
cùng là tìm kiếm các hành động của tòa án để ngăn chặn việc tiếp tục sử dụng các
điều khoản hợp đồng không công bằng (Đạo luật về quyền lợi NTD, Chương 3).
Thứ sáu, tham gia mạng lưới hợp tác xuyên biên giới về bảo
vệ NTD.
Sau khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, Vương quốc
Anh không còn là thành viên của Mạng lưới Hợp tác Bảo vệ NTD (CPC), cho phép hợp
tác giữa các cơ quan thực thi của các Quốc gia Thành viên EU và Ủy ban Châu Âu,
bao gồm cả việc cảnh báo các Quốc gia Thành viên về xu hướng quốc gia và hành
động thực thi cũng như thông qua hành động phối hợp xuyên biên giới.
Trong khi sự phối hợp xuyên biên giới hậu Brexit
giữa EU và Vương quốc Anh (với tư cách là quốc gia thứ ba) sẽ là vấn đề đàm phán
theo Quy định CPC 2017, CMA được cho là sẽ tiếp tục tìm cách hợp tác với các cơ
quan thực thi của EU trong khả năng có thể. Họ cũng đang tìm cách phát triển mối
quan hệ với các đối tác quốc tế khác (chẳng hạn như Mạng lưới Thực thi và Bảo vệ
NTD Quốc tế (ICPEN), có thể bao gồm việc chia sẻ thông tin tình báo hoặc bằng
chứng. Tháng 11 năm 2020, CMA đã công bố một cuộc điều tra về 'tẩy xanh' cùng
với Cơ quan NTD và Thị trường Hà Lan, như một phần của dự án rộng hơn với ICPEN.
Ngoài ra, CMA đã ký Biên bản ghi nhớ với Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ vào
tháng 3 năm 2019 để thiết lập các thỏa thuận hợp tác và trao đổi thông tin liên
quan đến bảo vệ NTD.
Thứ bảy, tập trung các vấn đề liên quan tiêu dùng bền vững,
quảng cáo xanh, thương mại điện tử
Hiện này, trọng tâm chính của công việc bảo vệ NTD
ở Anh là các vấn đề liên quan đến tính bền vững và quảng cáo xanh. Vào tháng 01
năm 2023, CMA đã mở một cuộc điều tra về các tuyên bố về môi trường liên quan
đến hàng tiêu dùng nhanh. CMA sẽ xem xét các sản phẩm để phát hiện các tuyên bố
sai lệch hoặc mơ hồ rằng sản phẩm “bền vững” hoặc “tốt hơn” cho môi trường cũng
như các khiếu nại liên quan đến việc sử dụng vật liệu tái chế hoặc tự nhiên và
khả năng tái chế sản phẩm. Một cuộc điều tra tương tự được CMA thực hiện vào
tháng 7 năm 2022 về các tuyên bố về môi trường của 03 thương hiệu thời
trang. CMA sẽ xem xét kỹ lưỡng các mô tả và tuyên bố sản phẩm do ASOS, Boohoo và
George tại Asda đưa ra liên quan đến quần áo, giày dép và phụ kiện của họ. CMA
đã công bố hướng dẫn dành cho doanh nghiệp về các công bố về môi trường đối với
hàng hóa và dịch vụ vào năm 2021, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của NTD
đối với các sản phẩm và dịch vụ bền vững hoặc gây hại tối thiểu cho môi
trường. Một cuộc điều tra sâu hơn đã được CMA tiến hành vào tháng 9 năm 2022,
liên quan đến hệ thống sưởi và cách nhiệt xanh. CMA đang tìm kiếm thông tin về
trải nghiệm của NTD và thực tiễn kinh doanh tập trung vào việc bán máy bơm
nhiệt, năng lượng mặt trời gia đình, vật liệu cách nhiệt, nồi hơi sinh khối và
nồi hơi sử dụng hydro cho gia đình.
Trong đại dịch COVID-19, CMA đã thành lập một lực
lượng đặc nhiệm về COVID-19 vào tháng 3 năm 2020 để theo dõi diễn biến thị
trường và điều phối các hoạt động ứng phó. Đến giữa tháng 5 năm 2020, CMA đã
nhận được hơn 60.000 khiếu nại về các vấn đề liên quan đến COVID-19, phần lớn
trong số đó là các hành vi không công bằng liên quan đến việc hủy và hoàn
tiền. CMA bắt đầu điều tra bốn lĩnh vực được đặc biệt quan tâm: đám cưới và sự
kiện riêng tư; chỗ ở nghỉ dưỡng; ngày nghỉ trọn gói; và các vườn ươm và nhà cung
cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em. CMA đã ban hành một số thư ngỏ tới các lĩnh vực
này, cũng như gửi thư cảnh báo tới các công ty cụ thể.
Vào năm 2021, CMA đã đảm bảo cam kết từ một số công
ty tổ chức kỳ nghỉ lễ (bao gồm Last Minute.com, TUI và Virgin Holidays) trong
việc hoàn tiền cho những khách hàng có kỳ nghỉ trọn gói bị hủy do COVID-19. Họ
đã tiếp tục theo đuổi hành động cưỡng chế đối với các công ty mà họ cho là chưa
thực hiện đủ hành động để hoàn tiền cho khách hàng, đưa ra các thủ tục tố tụng
tại tòa án đối với Teletext Holidays và đảm bảo tuyên bố từ Tòa án Tối cao vào
tháng 2 năm 2022 rằng Teletext Holdings đã vi phạm luật tiêu dùng do không thanh
toán. hoàn lại tiền.
Vào tháng 1 năm 2022, CMA đã chấp nhận cam kết từ
Dante Labs, nhà cung cấp dịch vụ xét nghiệm PCR du lịch COVID-19, theo đó CMA
cam kết hoàn lại tiền cho những khách hàng đã cố gắng thực hiện quyền hủy hoặc
đã nhận được kết quả của họ quá muộn, đưa ra các thủ tục tố tụng tại tòa án
chống lại Teletext Holidays và nhận được tuyên bố từ Tòa án Tối cao vào tháng 2
năm 2022 rằng Teletext Holdings đã vi phạm luật tiêu dùng khi không hoàn trả
tiền hoàn lại.
Bên cạnh công việc liên quan đến COVID-19, CMA ngày
càng tích cực hơn trong việc bảo vệ NTD trong lĩnh vực thương mại điện tử. Vào
tháng 5 năm 2020, CMA đã mở một cuộc điều tra thực thi của NTD đối với một số
trang web lớn hiển thị các đánh giá trực tuyến để xác định xem họ có thực hiện
đủ hành động để bảo vệ người mua hàng khỏi các đánh giá giả mạo và gây hiểu lầm
hay không. Họ đã đạt được cam kết từ Instagram, Facebook và eBay để giải quyết
các đánh giá trực tuyến gây hiểu lầm. Một cuộc điều tra chính thức về Amazon và
Google đã được triển khai vào tháng 6 năm 2021.
Vào tháng 11 năm 2022, Chính phủ Vương quốc Anh đã
thông báo rằng Dự luật về Thị trường, Cạnh tranh và NTD Kỹ thuật số sẽ được ban
hành vào Mùa xuân năm 2023. Dự luật này dự kiến sẽ đưa ra những thay đổi đáng kể
trong việc thực thi luật dành cho NTD ở Vương quốc Anh. Vào ngày 20 tháng 4 năm
2022, Chính phủ Anh thông báo họ có kế hoạch đưa ra nhiều cải cách do cuộc tham
vấn đề xuất, bao gồm: Cho phép CMA thực hiện hành động thực thi thông qua mô
hình hành chính (tức là cho phép CMA điều tra và xử phạt các hành vi vi phạm mà
không cần ra tòa). Các quyết định do CMA đưa ra có thể sẽ bị kháng cáo lên Tòa
án cấp cao hoặc tòa án chuyên môn (tương tự như Tòa phúc thẩm cạnh tranh); Cho
phép CMA áp dụng mức phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu của một công ty vì vi
phạm luật bảo vệ NTD. Các hình phạt cũng có thể được áp dụng đối với việc không
hợp tác trong quá trình điều tra, ví dụ như không đáp ứng yêu cầu cung cấp thông
tin theo luật định hoặc cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn; Giúp NTD
tiếp cận các giải pháp ADR để giải quyết các tranh chấp liên quan đến luật tiêu
dùng; Bảo vệ NTD khỏi bẫy đăng ký, bao gồm cả việc yêu cầu chọn tham gia các
điều khoản và lời nhắc tự động gia hạn trong thời gian dùng thử cũng như kết
thúc ưu đãi giới thiệu; Bổ sung thêm các hoạt động được đưa vào danh sách đen
theo CRA…[34]
3.Giá
trị tham khảo cho Việt Nam
Thứ nhất,
một số giá trị tham khảo hoàn thiện quy định pháp
luật về bảo vệ NTD tại Việt Nam
Một là, làm rõ một số khái niệm và phạm vi áp dụng của
luật Bảo vệ quyền lợi NTD.
CRA sắp xếp các quy định pháp luật chủ yếu theo đối
tượng của hợp đồng, bao gồm hàng hóa, dịch vụ, nội dung số,... Do vậy, các khái
niệm và phạm vi của từng loại hợp đồng này cũng được quy định rất rõ. Trong khi
đó, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tại Việt Nam còn “lờ đi” việc định nghĩa các khái
niệm “hàng hóa”, “dịch vụ”, “giao dịch mua bán hàng hóa”, “giao dịch mua bán
dịch vụ” khi hầu hết các khái niệm nói trên chỉ được tìm thấy trong Bộ luật Dân
sự hoặc Luật Thương mại. Đồng thời. giới hạn phạm vi các loại hàng hóa, dịch vụ
cũng chưa được quy định rõ. Do vậy NTD khó lòng xác định liệu giao dịch của mình
có nằm trong phạm vi bảo vệ của luật hay không.
Hai là, quy định về nội dung số, thương mại điện tử.
Độ bao phủ của CRA rất rộng, bao gồm các nội dung
về hợp đồng, các loại hợp đồng, giao dịch thương mại điện tử, thông tin cá nhân,
nội dung số,... Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc
sống của con người gắn liền với
không gian mạng. Các giao dịch
thương mại cũng không ngoại lệ. Trước thực tiễn đó, CRA năm 2015 đã dành hẳn một
chương riêng biệt để quy định về quyền lợi của NTD với các nội dung số trong
giao dịch thương mại điện tử. Đây là điểm nổi bật trong pháp luật bảo vệ NTD của
Vương quốc Anh mà Việt nam có thể tham khảo.
Ba là, quy định về “danh sách đen”, “danh sách xám” trong
quy định không công bằng.
Các “danh sách đen”, “danh sách xám” đã tạo ra sự
cụ thể hóa trong quy định của pháp luật về những điều khoản được phép áp dụng
với NTD khi thực hiện các hợp đồng. Đối với các thương nhân, danh sách này mang
ý nghĩa là khung đối chiếu khi soạn thảo các hợp đồng, tránh được các vi phạm
pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. Đối với NTD, các danh sách này như một bảng
hướng dẫn để tránh được các điều khoản bất lợi khi tham gia hợp đồng. Việt Nam
có thể nghiên cứu và áp dụng quy định “danh sách đen”, “danh sách xám” trong
thực tế để các chủ thể dễ dàng thực hiện việc bảo vệ quyền lợi NTD.
Bốn là, việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam cần tránh một
số hạn chế của CRA năm 2015.
CRA vẫn tồn tại một số điểm hạn chế như: (i) Chưa thể thực hiện được kỳ vọng ban
đầu là trở thành một đạo luật thâu tóm toàn bộ nội dung liên quan đến hợp đồng
NTD; (ii) Trình tự sắp xếp các quy định có phần phức tạp, đặc biệt đối với NTD.
Hơn nữa, CRA không có điều khoản chung chỉ đạo tòa án giải thích các quy định
liên quan đến chỉ thị của EU, điều này tạo ra nguy cơ rằng sự liên quan của luật
pháp EU, đặc biệt là án lệ của CJEU[35],
có thể không được tòa án công nhận khi giải thích một điều khoản trong CRA;
(iii) Thiếu sự nhất quán trong việc phân biệt giữa “quyền” của NTD và “biện pháp
khắc phục”;...
Thứ hai, một số giá trị tham khảo nâng cao hiệu quả áp dụng
pháp luật về bảo vệ NTD tại Việt Nam
Một là,
Đa dạng trong phương pháp bảo vệ quyền lợi NTD.
Tại Anh, các phương pháp bảo vệ NTD được sử dụng đa
dạng, tùy thuộc vào tính chất của từng vụ việc. NTD có thể sử dụng linh hoạt các
phương pháp như: khiếu nại với cơ quan hành chính, khởi kiện dân sự, tố giác tội
phạm, các biện pháp thay thế… Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm nhất định,
được thực hiện một cách hiệu quả thông qua các vụ việc thực tế. Việt Nam có thể
tham khảo kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các phương pháp trên để
bảo vệ quyền lợi NTD một cách hiệu quả nhất.
Hai là,
hướng dẫn cụ thể khởi kiện tập thể.
Với đặc trưng là một quốc gia thuộc hệ thống Common
law, vai trò giải thích pháp luật của Tòa án được đề cao. Vụ việc giữa Merricks
với Mastercard [2020] UKSC 51 đã khẳng định tính hiệu quả của việc khởi kiện tập
thể bảo vệ NTD. Pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận khái niệm khởi kiện tập thể
nhưng cũng đã quy định việc các tổ chức đại diện khởi kiện để bảo vệ quyền lợi
của cộng đồng. Kinh nghiệm từ phán quyết của Tòa án tối cao Vương quốc Anh về vụ
án giữa Merricks với Mastercard sẽ gợi mở cho Việt Nam ban hành các án lệ về bảo
vệ NTD, chế độ khởi kiện tập thể.
Ba là, tham gia các mạng lưới hợp tác quốc tế.
Trước và sau khi rời liên minh châu Âu, Vương quốc
Anh đều cố gắng tham gia các diễn đàn quốc tế, hiệp định song phương về bảo vệ
NTD. Đây là xu hướng tất yếu trước sự phát triển của thương mại điện tử, tính
xuyên quốc gia của các giao dịch. NTD sẽ được bảo vệ một cách hiệu quả nhất khi
quốc gia của họ tham gia vào các điều ước quốc tế. Đồng thời, các diễn đàn quốc
tế sẽ là nơi chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Việt Nam có thể tham khảo
phương pháp này để bảo vệ NTD một cách hiệu quả trong bối cảnh hội nhập và
chuyển đổi số hiện nay.
Kết thúc vấn đề
Khung pháp lý bảo vệ quyền lợi NTD tại Vương quốc
Anh tương đối vững chắc và việc áp dụng trong thực tiễn được thực hiện một cách
hiệu quả. Đặc biệt CRA năm 2015 được xem như một bước hoàn thiện nổi bật của
pháp luật bảo vệ NTD tại Anh. Việt Nam có thể nghiên cứu các quy định về định
nghĩa, phạm vi áp dụng, các nội dung số,... đồng thời tham khảo sự đa dạng trong
các biện pháp bảo vệ NTD, mô hình khởi kiện tập thể, tham gia các diễn đàn quốc
tế… của Vương quốc Anh. Chuyên đề cũng đề xuất các giải pháp dành cho Việt Nam
trong việc củng cố khung pháp lý bảo vệ NTD, hướng tới một môi trường kinh doanh
cạnh tranh lành mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
BERR (2008), “Guidance on the Consumer Protection from Unfair Trading
Regulations 2008”, Office of Fair Trading, London.
2.
Christian Twigg-Flesner (2017), “Consolidation rather than Codification – or
just Complication? - The UK’s Consumer Rights Act 2015”,
Zeitschrift für
Europäisches Privatecht (ZeuP), tr.170-201.
3.
Christian Twigg-Flesner (2015), “Does the
codification of consumer law improve the ability of consumers to enforce their
rights? – A UK-perspective”,
Verbraucherrecht Und
Verbraucherverhalten: Consumer Law and Consumer Behavior.
4.
Christine Riefa, Cris Willett (2018), “Enforcement
and Effectiveness of Consumer Law in the UK”,
https://www.researchgate.net/publication/326227266_Enforcement_and_
Effectiveness_of_Consumer_Law_in_the_UK, ngày truy cập 04/10/2023
5.
Citizens Advice, “The Consumer Rights Act 2015”, tại địa chỉ:
https://www.citizensadvice.org.uk/about-us/our-work/citizens-advice-consumer-work/the-consumer-rights-act-2015/, ngày truy cập 2/10/2023.
6.
Competition & Market Authority (2015), Unfair contract term explained, CMA37(a).
7.
Department for Exiting the European Onion, Factsheet 9: Consumer Protection.
8.
Helen Kreft (2019), “Bosses
of vacuum cleaning firm jailed for fraud” (Ông chủ công ty hút bụi bị bỏ tù vì
lừa đảo), Derbyshire Live, tại địa chỉ:
https://www.derbytelegraph.co.uk/burton/nicholas-garbett-richard-commons-fraud-2682783, ngày truy cập 03/10/2023.
9.
LawBite (2022), “Understanding consumer rights in the UK”, tại địa chỉ:
https://www.lawbite.co.uk/resources/blog/consumer-rights-uk, ngày truy cập 2/10/2023.
11.
Nigel Parr, Christopher Eberhardt (2023), “Consumer
Protection Laws and Regulations UK 2023”, tại địa chỉ:
https://iclg.com/practice-areas/consumer-protection-laws-and-regulations/united-kingdom, ngày truy cập 03/10/2023.
12.
MyLawyer, “Ecommerce regulations”, tại địa chỉ:
https://www.mylawyer.co.uk/ecommerce-regulations-a-A76064D77389/, ngày truy cập 3/10/2023
13.
Paula Giliker (2017), “The
Consumer Rights Act 2015 – a bastion of European consumer rights?”, Legal
Studies, 37(1), tr. 78-102.
14.
Stewarts
(2021), “UK Supreme Court sends clear message that an effective class action
mechanism is critical for consumer protection” (Tòa án tối cao Vương quốc Anh
gửi thông điệp rõ ràng rằng một cơ chế khởi kiện tập thể hiệu quả là rất quan
trọng để bảo vệ người tiêu dùng), tại địa chỉ:
https://www.stewartslaw.com/news/consumer-protection-uk-supreme-court-judgment-sets-precedent-for-class-action/,
ngày truy cập 03/10/2023
15.
S Whittaker (2017), “Distinctive features of the
new consumer contract law”, Law Quarterly Review 133 (47), tr.71/2.
16.
Syed R. S. G., Zahid U., Aisha N. O. (2023), “Legal
And Political Perspectives on Consumer Protection Laws in Post-Brexit Britain:
An Analysis”, Pakistan Journal of Social Research, 5(2), tr. 386-392.
17.
Travers Smith (2021), “Care homes
administration fees: exploitative practice or reasonable reimbursement?” (Phí
quản lý nhà chăm sóc: hành vi bóc lột hay hoàn trả hợp lý?), tại địa chỉ:
https://www.traverssmith.com/knowledge/knowledge-container/care-homes-administration-fees-exploitative-practice-or-reasonable-reimbursement/, ngày truy cập 03/10/2023.
18.
TaylorWessing (2015), “The Consumer Contracts
Regulations”, tại địa chỉ:
https://www.taylorwessing.com/en/insights-and-events/insights/2015/03/the-consumer-contracts-regulations, ngày truy cập 2/10/2023
Which? (2021), “Consumer Contracts Regulations”,
tại địa chỉ”
https://www.which.co.uk/consumer-rights/regulation/consumer-contracts-regulations-ajWHC8m21cAk, truy cập ngày 3/10/2023
[1]
Giảng viên, Khoa Đào tạo Thẩm tra viên, Thư ký Toà án, Học viện Tòa án
[2] Sinh viên, Trưởng ban Chuyên môn Câu lạc bộ Học
thuật Học viện Tòa án 2022-2023, đã từng đạt giải Nhì cuộc thi Sinh viên
NCKH cấp học viện năm 2022-2023
[3] Department for Exiting the European Onion,
Factsheet 9: Consumer Protection.
[15] Dựa theo bảng trong tài liệu Christian
Twigg-Flesner (2017), “Consolidation rather than Codification – or just
Complication? - The UK’s Consumer Rights Act 2015”,
Zeitschrift für
Europäisches Privatecht (ZeuP), tr.170-201.
[22] Competition & Market
Authority (2015), Unfair contract term explained, CMA37(a).
[23]Christian Twigg-Flesner (2017), “Consolidation
rather than Codification – or just Complication? - The UK’s Consumer
Rights Act 2015”,
Zeitschrift für Europäisches Privatecht (ZeuP), tr.170-201.
[28] Competition & Market
Authority (2015), Unfair contract term explained, CMA37(a).
[29] S Whittaker (2017), “Distinctive features of the
new consumer contract law”, Law Quarterly Review 133 (47), tr.71/2.
[30]
Syed R. S. G., Zahid U., Aisha N. O. (2023), “Legal
And Political Perspectives on Consumer Protection Laws in Post-Brexit
Britain: An Analysis”, Pakistan Journal of Social Research, 5(2), tr.
386-392.
[35] Tòa án Công lý Liên minh
châu Âu