HỌC VIỆN TOÀ ÁN TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC: “XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN TRONG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG TẠI HỌC VIỆN TOÀ ÁN”
Lý luận về “Nhà nước pháp quyền” là tinh hoa của pháp luật nhân loại, đã có một lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, từ những quan niệm và ý tưởng sơ khai xuất hiện ở cả phương Đông và phương Tây thời cổ đại về một nhà nước thượng tôn pháp luật, tôn trọng và bảo vệ con người, được tổ chức và vận hành một cách khoa học và hiệu quả, đến các lý thuyết về “Nhà nước pháp quyền” thời hiện đại.
Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đi tiên phong trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền mà Người đã khẳng định vai trò của pháp luật bằng hai câu: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1994), vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền đã được đặt ra và ngày càng trở thành một nội dung quan trọng trong quá trình đổi mới chính trị ở Việt Nam. Đến nay, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã hình thành và đang từng bước được hoàn thiện ở Việt Nam, mà một dấu mốc quan trọng chính là sự ra đời của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013. Tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09 tháng 11 năm 2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khẳng định chủ trương về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là một nhiệm vụ trọng yếu, là mục tiêu chiến lược trong sự nghiệp đổi mới của nước ta.
Nhận thức được yêu cầu đó gắn với nhiệm vụ chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Tòa án nói riêng và cải cách giáo dục nói chung trong bối cảnh cải cách tư pháp hiện nay, sáng ngày 03/7/2024 Học viện tòa án đã tổ chức hội thảo “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền” trong các Chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Toà án” muốn tham vấn từ các chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu đưa được nội dung về nhà nước pháp quyền vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Tòa án.
Tham dự hội thảo có TS. Lê Hữu Du, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Tòa án; ThS. Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Học viện Tòa án chủ trì hội thảo; TS. Bùi Xuân Phái, giảng viên chính, phó trưởng bộ môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội; các nhà khoa học là tác giả của các chuyên đề trong kỷ yếu hội thảo; các thầy cô là các trưởng, phó, khoa phòng của Học viện, các giảng viên của Học viện Toà án.
ThS. Phạm Như Hưng, Phó giám đốc Học viện Toà án – chủ trì hội thảo phát biểu khai mạc. Với cương vị là phó giám đốc Học viện Tòa án, ThS. Phạm Như Hưng bày tỏ mong muốn hội thảo này nhận được tham vấn từ các tác giả tâm huyết với các báo cáo chuyên đề trong kỷ yếu hội thảo và nhận được tham vấn từ các chuyên gia, các nhà khoa học đến dự hội thảo. Từ đó các nội dung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện Toà án nói chung, làm chất liệu xây dựng giáo trình cho đào tạo Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tòa án, chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ Luật.
TS. Lê Hữu Du, Phó Giám đốc phụ trách HVTA
ThS, Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Học viện Toà án – chủ trì hội thảo
TS. Bùi Xuân Phái, giảng viên chính, phó trưởng bộ môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật,
Trường Đại học Luật Hà Nội
Tác giả TS. Nguyễn Văn Nghĩa, Giảng viên, Học viện Toà án
Tác giả TS. Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa đào tạo
Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án
ThS. Lê Thị Hằng, Phó trưởng khoa Khoa Đào tạo Đại học, HVTA
Nhìn vào tính logic của 12 chuyên đề, Kỷ yếu Hội thảo đã đi được vào trọng tâm theo chủ đề Hội thảo được duyệt. Các chuyên đề đi từ việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật trong thời gian tới. Các báo cáo tham luận đều được đánh giá cao, đầy tâm huyết và nhận được nhiều sự chia sẻ, góp ý từ các đại biểu tham dự Hội thảo.
Trước khi Hội thảo khép lại, TS. Lê Hữu Du phát biểu chỉ đạo lồng ghép những nội dung của hội thảo vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo đại học của Học viện, các giảng viên cập nhật để giảng dạy cho sinh viên, học viên để kết quả của hội thảo được ứng dụng thực thi trên thực tiễn với các địa chỉ sử dụng cụ thể. Các nội dung thảo luận của Hội thảo cũng gợi mở cho các nhà khoa học, thầy trò của Học viện Tòa án về một số chủ đề cần nghiên cứu sâu hơn trong thời gian tới.
Cuối cùng, ThS. Phạm Như Hưng gửi lời cảm ơn và lời chúc sức khỏe tới các đại biểu và toàn thể cán bộ, giảng viên tham dự Hội thảo. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, thảo luận sôi nổi, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.