Học viện Toà án tổ chức Hội thảo góp ý về chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo thạc sĩ ngành luật (định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng) – Mã ngành 8380101 tại Học viện Toà án
Untitled 1
Hội thảo với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà làm luật có uy tín, nhiều kinh nghiệm thực tiễn đến từ Học viện Khoa học xã hội; các thẩm phán đến từ Tòa án nhân dân thành phố Bắc Ninh, Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai, Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang. Về phía Học viện Tòa án có PGS.TS. Phạm Minh Tuyên – Giám đốc Học viện Toà án; TS. Nguyễn Minh Sử - Phó Giám đốc Học viện Toà án, ThS. Phạm Như Hưng – Phó Giám đốc Học viện Toà án, TS. Lê Hữu Du – Phó Giám đốc Học viện Toà án, PGS.TS. Dương Tuyết Miên – nguyên Phó Giám đốc Học viện Toà án cùng đông đảo các giảng viên, cán bộ của Học viện Tòa án.
PGS.TS. Phạm Minh Tuyên – Giám đốc Học viện Toà án phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Tuyên nhận định việc nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Luật tại Học viện Toà án là một giải pháp chiến lược mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử, góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. PGS.TS. Phạm Minh Tuyên chỉ đạo khi xây dựng chuẩn đầu ra phải thống nhất với mục tiêu của Chương trình đào tạo. Đây là một trong những khâu trọng yếu, giữ vai trò sứ mệnh làm cơ sở định hướng cho việc thiết kế, phát triển Chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu về năng lực nghề nghiệp, cam kết và công bố cho người học và xã hội mà Học viện Tòa án đã tiến hành và mong muốn đạt được. Cuối cùng, PGS.TS. Phạm Minh Tuyên khẳng định chuẩn đầu ra và Chương trình đào tạo sau khi hoàn thành phải mang tính "đặc sản", "chất riêng" của Học viện Toà án và mong muốn Học viện sớm được cấp phép đào tạo thạc sĩ.
TS. Nguyễn Văn Nam - Uỷ viên thường trực Ban soạn thảo Chương trình đào tạo trình bày Báo cáo sơ lược về CĐR và CTĐT thạc sĩ ngành luật
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS. Nguyễn Văn Nam, Uỷ viên thường trực Ban soạn thảo Chương trình đào tạo trình bày Báo cáo sơ lược về chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo thạc sĩ ngành luật. Chương trình đào tạo được chia thành hai định hướng: định hướng ứng dụng (80 tín chỉ, đào tạo trong 24 tháng) và định hướng nghiên cứu (62 tín chỉ, đào tạo trong 24 tháng). Điểm khác biệt rõ rệt nhất ở hai định hướng này là sự khác nhau về các học phần. Bên cạnh luận văn tốt nghiệp (12 tín chỉ) thì học viên theo học định hướng ứng dụng sẽ phải thực hành thêm một học phần Thực tập chuyên môn (10 tín chỉ).
TS. Lê Anh Tuấn, Trung tâm đảm bảo chất lượng, Học viện Khoa học xã hội trình bày góp ý về CĐR và CTĐT thạc sĩ ngành luật
Ngay sau đó, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thảo luận sôi nổi, đóng góp rất nhiều ý kiến xây dựng về các vấn đề đặt ra trong Hội thảo. Tại buổi Hội thảo, TS. Lê Anh Tuấn đã làm rõ vấn đề và khẳng định: Chuẩn đầu ra là cụ thể hoá mục tiêu của Chương trình đào tạo.
ThS.NCS. Nguyễn Quang Hoà, Chánh Toà Hành chính, TAND thành phố Bắc Ninh phát biểu góp ý
ThS. Nguyễn Quang Hoà nhất trí với mục tiêu chương trình đào tạo và các học phần mà ban dự thảo đã xây dựng. Tuy nhiên, thẩm phán Nguyễn Quang Hoà lưu ý ba vấn đề: Thứ nhất, cần nâng cao trình độ về tin học và ngoại ngữ đảm bảo chuẩn đầu ra; Thứ hai, cân nhắc tích hợp kiến thức nghiệp vụ xét xử để giúp học viên nâng cao kỹ năng xét xử vụ án; Thứ ba, cần đảm bảo các khối kiến thức của chương trình đào tạo phải phù hợp với chuyên ngành.
ThS. Phạm Như Hưng, Phó Giám đốc Học viện Toà án đóng góp ý kiến
ThS. Phạm Như Hưng đồng tình với quan điểm tích hợp chương trình thạc sĩ luật và chương trình nghiệp vụ xét xử, đề xuất chương trình đào tạo thạc sĩ thực hành của Nhật Bản đã được bắt đầu áp dụng từ năm 2006 cũng như đề cao tầm quan trọng của việc đưa môn Tin học vào trong chương trình đào tạo, phù hợp với quá trình thực hiện cải cách tư pháp, hướng đến xây dựng tòa án điện tử và xét xử trực tuyến.
ThS. Đỗ Thị Mai Thu, Phó Chánh án TAND Quận Hoàng Mai
Bên cạnh luồng ý kiến ủng hộ tích hợp chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử và chương trình đào tạo thạc sĩ, cũng có nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tách biệt hai hình thức đào tạo. ThS. Đỗ Thị Mai Thu cho rằng, cần chú trọng xây dựng mỗi chương trình đều mang bản sắc riêng để phân biệt với các cơ sở đào tạo khác, hạn chế sự trùng lặp trong các môn học.
TS. Lê Hữu Du, Phó Giám đốc Học viện Toà án điều hành hội thảo
Kết thúc phần tham luận, sau khi tổng hợp nhiều nguồn ý kiến từ các chuyên gia và các đại biểu, TS. Lê Hữu Du khẳng định cần có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc hơn liên quan tới vấn đề tích hợp bởi đây không phải là một phạm trù đơn giản do còn liên quan tới việc chuyển đổi, công nhận, miễn trừ lẫn nhau giữa chương trình đào tạo nghiệp vụ xét xử và chương trình đào tạo thạc sĩ.
Bế mạc Hội thảo, TS. Lê Hữu Du gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đại biểu đã đến tham dự và có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận quý giá đóng góp hoàn thiện Đề án mở mã ngành. Hội thảo đã diễn ra trong không khi sôi nổi, nghiêm túc và kết thúc thành công tốt đẹp.
Một số hình ảnh tại hội thảo: